Những con đường- phường- quận, mà chỉ ai sống ở Sài Gòn lâu năm mới "ngộ" ra được!
Hiệp Bình Chánh nhưng không phải ở Bình Chánh, Phan Văn Trị không chỉ nằm ở quận GòVấp và Bình Thạnh. Đường Hoàng Sa chạy dọc bờ kè trải dài qua đến 4 quận... Và còn những điều thú vị nhưng cũng "đau não" khác chỉ những ai sống ở Sài Gòn lâu năm mới "ngộ" ra được.
Hỏi đường nhớ hỏi quận, vì Sài Gòn có hơn 200 con đường trùng tên nhau
Vậy nên mới xảy ra những tình huống oái oăm nhất là đối với những người mới đặt chân lên Sài Gòn. Và nếu bạn không rành rẽ đường phố ở đây, tốt nhất đừng nên hành nghề shipper. Đã có nhiều anh chàng shipper dõng dạc a lô khách ơi em đến số xxx đường Bạch Đằng rồi nhưng đây là công trường mà và 5 phút sau các chàng trai mới ớ ớ địa chỉ giao hàng là Bạch Đằng ở Tân Bình chứ hổng phải Bình Thạnh ư...?!
Nằm trên hai quận đều có chữ "Bình" là Bình Thạnh và Tân Bình, lại trùng cái tên Bạch Đằng nên đây là con đường khiến nhiều người khốn khổ vì dễ nhầm lẫn.
Cũng ở Bình Thạnh, bà con mặc định đường Phan Văn Trị chắc chắn nằm ở quận mình rồi, nếu nối dài theo hướng ra Phạm Văn Đồng thì một phần con đường này sẽ thuộc quận Gò Vấp nữa. Tuy nhiên ít ai biết rằng, ở quận 5 xa tít kia cũng có một con đường mang tên Phan Văn Trị. Ngặt một nỗi, đường Phan Văn Trị ở quận 5 lại bị "cắt" thành 2 đoạn, 1 đoạn bắt đầu từ Nguyễn Văn Cừ thuộc phường 2. Một đoạn bắt đầu từ Lê Hồng Phong, thuộc phường 7, cả hai đoạn "nhỏ xinh" này đều là... đường cụt. Vậy nên nếu bạn tìm đến địa chỉ nhà nào ở con đường này thì chắc chắn không chỉ phải nhìn quận, mà cần ngó luôn số phường nữa kìa.
Tự dưng có cái đường bị cắt đôi thế này thì tìm địa chỉ như nào cơ chứ! - Trả lời: Nhìn số phường nhé!
Trong một lần trò chuyện cùng chúng tôi, PGS.TS Lê Trung Hoa cũng cho biết: "Trước năm 2005 thì thành phố có hơn 100 đường trùng tên, giờ thì con số ấy đã hơn 200".
Sở dĩ thành phố có nhiều đường bị trùng tên như vậy là vì trước năm 1975 có đến 3 đơn vị hành chính với 3 Hội đồng đặt tên đường khác nhau gồm: Chợ Lớn, Sài Gòn và Gia Định. Sau này, 3 đơn vị hành chính này nhập thành TP. HCM nên rất nhiều tên đường bị trùng ở tất cả các quận huyện.
Tân Sơn Nhì và Tân Sơn Nhất không nằm cạnh nhau
Nhiều người nhà ở Tân Sơn Nhì mà hổng dám nói, nói ra sợ người ta hỏi có gần sân bay Tân Sơn Nhất không? Sự thật thì: Tân Sơn Nhì là một con đường ở quận Tân Phú, nằm cách nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất ở quận Tân Bình đến hơn 7km.
Ngày nay, từ đường Tân Sơn Nhì đi đến sân bay Tân Sơn Nhất phải qua rất nhiều điểm nóng kẹt xe, nên đừng ai lầm tưởng có nhà ở Tân Sơn Nhì thì đi bộ cũng ra được sân bay nhé!
Nói về Tân Sơn Nhất thì đó là tên của một ngôi làng từ trước năm 1919, ngày xưa gọi là Tân Sơn Nhứt (Theo cuốn Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ). Về địa giới hành chính, làng thuộc phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định và giáp các thôn Tân Sơn Nhì, Hạnh Thông Tây, Phú Nhuận.
Đến năm 1920, khi thành lập phi đội Nam Kỳ, chính quyền thực dân Pháp lấy phần lớn diện tích của làng Tân Sơn Nhứt để xây dựng sân bay. Tên của làng cũng thành tên sân bay từ đó.
"Ủa địa chỉ này là số cũ hay số mới?"
Nếu phải hỏi câu này thì chúc mừng bạn đã đi vào con đường "loạn số". Theo quy luật số đường thì một con đường sẽ phân hai bên chẵn lẻ, nếu bên phải đường là số chẵn thì bên trái là số lẻ và ngược lại. Ngặt một nỗi, khi cấp địa chỉ mới thì nhiều con đường lại đổi hai bên chẵn lẻ, số thì nhảy từ mười mấy đến một trăm mấy. Rồi 1km đường nhưng có tới 2 địa chỉ y hệt như nhau chỉ khác mỗi số phường.
"Mỗi lần gọi đồ ăn hay đặt taxi đúng là cực hình. Nhà thì số là 419/xx đường Phan Xích Long nhưng lại nằm trong hẻm 88. Mà cái hẻm 88 thì lại nằm giữa hai số nhà 257 và 255. Cũng may là hẻm không hiểm hóc, chứ không người ta tìm được cái hẻm rồi mò thêm số nhà nữa thì có mà... ngất!", một người dân "đau khổ" sống trên con đường số cũ số mới loạn xạ này chia sẻ.
Có những con đường, ngõ hẻm, khu phố trông thật yên bình cho đến khi bạn phải đi tìm... địa chỉ nhà ở đó!
Cùng chung cảnh ngộ với đường Phan Xích Long, đường Chu Văn An ở quận Bình Thạnh cũng khiến nhiều người khốn đốn vì địa chỉ nhà "nhảy" loạn xạ. Lưu ý nè: Đi đâu thì đi, cẩn thận khi đi vào hẻm 334 Chu Văn An, hẻm "mê cung" này được mệnh danh là vào dễ ra khó. Theo kinh nghiệm của người dân, nếu lạc đường thì nên nhìn vào đường dây điện chính, rồi theo đường dây điện này ra đường lớn, rồi... gọi điện thoại cho người nhà đến rước.
Mời bà con vào khám phá hẻm 334, một tuần sau gặp lại!
"Từ quận 1 sang quận 10 phải chạy qua 9 cái quận?"
Không biết quy luật đặt tên quận ở Sài Gòn như thế nào, nhưng chắc chắn để đi từ quận 1 sang quận 10 thì bạn không phải đi qua 9 quận còn lại đâu. Hai quận này chỉ cách nhau chưa đến 5km.
Quận 1 nằm sát quận 3, nhưng lại cách quận 2 đến 8km về phía Đông. Quận 4,5 cũng như quận 6,7 hay 7,8... đều nằm ở các hướng "vô duyên", nếu không muốn nói là cách nhau khá xa, nhất là quận 8 và quận 9 (hơn 32km). Vậy nên, nếu muốn đi hết Sài Gòn này thì có lẽ bạn phải đi từ quận 9 về quận 12 bằng nhiều con đường khác nhau.
Một con đường nằm ở quận 10, chỉ cách quận 1 chưa đến 5km.
Đừng sợ, chỉ là biển chỉ đường thôi mà!
Có một nỗi ám ảnh không chỉ người xứ khác mới sợ, mà cả người dân Sài Gòn cũng "chịu thua", đó là những con đường hoa và đường số. Có tất cả 13 loài hoa được đặt cho 13 con đường nhỏ giao nhau ở khu Phan Xích Long, đó là các đường: Hoa Hồng, Hoa Lan, Hoa Phượng, Hoa Mai, Hoa Đào, Hoa Cau, Hoa Cúc, Hoa Sứ, Hoa Huệ, Hoa Sữa, Hoa Lài, Hoa Trà, Hoa Thị... Các tên đường đặt ngẫu hứng, không theo thứ tự nên rất khó để những người dân khu khác tìm nhà ở đây.
Ok... Đường nào rồi cũng về với Huệ!
Đường số thì đỡ nhức đầu hơn đường hoa, nhưng nhiều khu vực cũng lắm con đường số đánh đố người dân. Khu cá sấu Hoa Cà ở quận Thủ Đức là một ví dụ. Vì khó tìm nên ngay trước khi vào khu phố 5, hàng loạt biển ghi địa chỉ, tên cơ sở kinh doanh, dịch vụ được treo ngay trên vỉa hè đường Phạm Văn Đồng cho người dân dễ tìm kiếm.
Những biển ghi địa chỉ các cơ sở, trường học, chùa được đặt trên đường Phạm Văn Đồng.
Có những con đường trải dài qua 4 quận
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài khoảng 8,7km chảy qua quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh. Hai con đường chạy dọc bờ kè của con kênh được đặt tên là Hoàng Sa, Trường Sa và được xem là tuyến đường ven kênh đẹp nhất của Sài Gòn.
Trên 2 con đường ven kênh đẹp và xanh này, người Sài Gòn có thể dạo bộ, tập thể dục và vui chơi dưới những hàng cây xanh ngát.
Đường Trường Sa chạy qua 4 quận. Bắt đầu từ quận 3 - Bình Thạnh - Phú Nhuận và kết thúc ở quận Tân Bình. Trong khi đó, đường Hoàng Sa nằm ở phía bên kia bờ kênh Nhiêu Lộc, tưởng như chạy song hành cùng đường Trường Sa thì nó cũng chỉ đi qua 3 quận: 1, 3 và Tân Bình.
Nếu không tính các đại lộ, xa lộ... thì Trường Sa cũng không phải là con đường nội đô duy nhất nằm trên 4 quận khác nhau. Có những con đường ở Sài Gòn tuy không dài nhưng vẫn thuộc nhiều quận, đơn cử như đường Cách mạng tháng 8, Điện Biên Phủ, Trần Hưng Đạo (thuộc 4 quận), Nguyễn Trãi, Lê Văn Sỹ (thuộc 3 quận).
Đường Lê Văn Sỹ thuộc 3 quận khác nhau nhưng số nhà không được liền mạch như các con đường khác.
Hiệp Bình Chánh cách Bình Chánh gần 30km
Những cái tên gây hiểu lầm nhất quả đất: ngã ba Vũng Tàu, Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, ngã tư Bình Phước vì nó làm người ta hiểu lầm rằng ngã ba Vũng Tàu chắc... gần gần Vũng Tàu, Hiệp Bình Phước hay ngã tư Bình Phước thì ở tỉnh Bình Phước còn Hiệp Bình Chánh ở huyện Bình Chánh.
Thật ra thì, Hiệp Bình Chánh hay Hiệp Bình Phước, Bình Chiểu, Bình Thọ... chỉ là tên những phường ở quận Thủ Đức.
Hiệp Bình Chánh cũng như Hiệp Bình Phước, là một tên phường ở quận Thủ Đức, cách huyện Bình Chánh gần 30km.
Còn ngã ba Vũng Tàu thì cách Vũng Tàu cũng gần 80km, sở dĩ người ta gọi là ngã ba Vũng Tàu vì đến ngã ba ý thì có đường rẽ về hướng Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngày xưa, ở ngã ba này có một siêu thị lớn tên Cora (giờ là BigC), nhiều người "mù hướng" thì phải nhẩm câu thần chú: Tới siêu thị Cora là tới ngã ba Vũng Tàu.
Những ngã ba, ngã năm ở Sài Gòn còn có tên gọi truyền miệng từ hàng chục năm trước. Cụ tỉ như có cái tên ngã năm Chuồng Chó (nút giao thông lớn thuộc phường 3, Q. Gò Vấp nay có tên gọi khác là ngã sáu Gò Vấp) là vì sau 1954, chính quyền cũ cho xây trường huấn luyện quân khuyển tại đây. Hay tên ngã ba Ông Tạ vì khu vực này vốn nổi tiếng bởi từng tồn tại phòng khám của lương y Nguyễn Văn Bi, thường được người dân gọi là ông Tạ. Ngã năm Bình Hòa thì dễ lý giải: có một cái đình Bình Hòa và trường tiểu học Bình Hòa ở khu vực đó.
"Hầm Thủ Thiêm có nằm bên dưới cầu Thủ Thiêm không?"
Cầu Thủ Thiêm là một cây cầu nối hai bờ sông Sài Gòn thuộc quận 2 và quận Bình Thạnh. Còn đường hầm sông Sài Gòn (thường được gọi là hầm Thủ Thiêm) là một phần trong dự án Đại lộ Đông Tây, quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Nhiều người lầm tưởng hai địa điểm này là một nhưng thực ra chúng cách nhau khoảng 3km. Đây cũng là tuyến đường được giới trẻ lựa chọn để vi vu dạo phố về đêm. Thông thường họ sẽ đi từ quận 1, qua hầm Thủ Thiêm sau đó chạy về quận 2, Bình Thạnh bằng cách đi cầu Thủ Thiêm.
Copyright © 2018 - All Rights Reserved. Design by Thiết kế web BĐS http://zland.vn